"PHÁP TẠNG PHẬT GIÁO VIỆT NAM" CÓ TỪ ĐÂU?
I. HIỆN TƯỢNG:
Thời gian gần đây, cộng đồng Phật tử vô cùng bất ngờ khi thấy những người cư sĩ với trang phục màu vàng, màu pháp phục của Phật giáo, xuất hiện trên truyền thông với tần xuất ngày càng dày đặc.
Khi tìm hiểu thì được biết đây là một giáo phái mới xuất hiện tại Việt Nam, chưa được các cấp thẩm quyền cấp phép hoạt động. Mặc dù chưa được cấp phép nhưng với hình thức và nội dung giáo phái này đang hoạt động, đã gây cho cộng đồng Phật giáo nói riêng và quần chúng nhân dân nói chung nhiều hệ lụy và hiểu nhầm đáng tiếc.
II. NHỮNG NHẬN ĐỊNH
A. PHÁP LÝ
Trong phần giới thiệu, giáo phái này khẳng định: “Pháp Tạng Phật Giáo Việt Nam là một tôn giáo có nguồn gốc Phật đạo từ Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật truyền đạo”.
Tôn giáo Pháp Tạng được khai sinh do ông TỪ THẾ THỌ, pháp hiệu TĂNG CHỦ TỊNH VƯƠNG NHẤT TÔN, pháp hiệu là VÔ THƯỢNG TÔN, sở đắc pháp môn như lai thiền từ năm 1965 tại Nha Trang.
Hiện nay, giáo phái này có cơ sở tại các tỉnh: Nha Trang-Khanh Hòa, Bình Định-Quy Nhơn, Quảng Nam, Đà Nẵng, Quận Hội- Quận 3 Đà Nẵng, Thừa Thiên-Huế, Dak Lak-Buôn Mê Thuộc, Sài Gòn-Thành Phố Hồ Chí Minh.
Năm 2018, Ban Tôn giáo Chính phủ có công văn 846/TGK/BTG, cho phép pháp tạng Phật giáo Việt Nam được đăng kí sinh hoạt tôn giáo tập trung tại các địa phương.
Tiếp nhận công văn này, pháp tạng đã triển khai theo tinh thần chỉ đạo văn bản số 02/PTPG/VP thông báo đến các pháp bảo cấp pháp tạng lập hồ sơ đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung theo nghị định 162/2017/NDTP.
Đến hôm nay tại ba tỉnh thành lớn: Đà Nẵng, Khánh Hòa, Thành Phố Hồ Chí Minh. Pháp tạng Phật giáo Việt Nam đã được chính quyền cấp phép chứng nhận sinh hoạt tôn giáo.
B. TRANG PHỤC
Nếu không nhìn thật kỹ mà chỉ lướt qua, thật khó để bất kỳ ai có thể nhận định được đây là một cư sĩ. Trong trang phục truyền thống của Phật giáo mà các vị Hòa thượng hay mặc, giáo phái này mang hình thức không khác gì chư tôn Hòa thượng của Phật giáo cả.
C. HỆ THỐNG KIẾN TRÚC - TƯỢNG THỜ
Tại trụ sở của giáo phái này, thôn Vạn Thuận, xã Ninh Ích, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa, nhìn qua không khác gì ngôi chùa của Phật giáo. Cũng mái cong, hoa văn sen cách điệu, hình thức cổng tam quan không khác biệt một chút nào với cổng chùa của Phật giáo. Ai có thể nghĩ rằng với lối kiến trúc như vậy nhân dân sẽ phân biệt được đây là một giáo phái hoàn toàn mới, không liên quan đến Phật giáo?
Kiến trúc bên ngoài đã như vậy, khi tiến vào bên trong, hệ thống tượng thờ của giáo phái này còn khiến mọi người ngạc nhiên hơn vì giáo phái này sử dụng tượng Phật giáo để tôn thờ.
Có thể thấy họ cũng lập bàn thờ Tam Bảo, trên thì thờ Phật Dược Sư, dưới một cấp thì thờ Phật Thích Ca, Phật Di Đà….
Cách bài trí như vậy, ai nhìn vào cũng ngộ nhận đây chính là một ngôi chùa Phật giáo.
Cũng có chuông mõ, bàn án theo phong cách của Phật giáo, cách bài trí và tôn thờ không khác biệt so với một ngôi chùa thuần túy tại Việt Nam.
D. NỘI DUNG KINH ĐIỂN
Ngoài kiến trúc, cách tôn thờ thì giáo phái này còn bê nguyên cả hệ thống giáo lý của Phật giáo để làm của riêng, cũng Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật, có tới 95% là ngôn từ, vănphong và thuật ngữ của Phật giáo.
Hệ thống kinh điển của giáo phái này được sao y 100% từ các bài nguyện hương trong các chùa và hầu như không thêm gì khác vào.
Cũng có Phật lịch và các vị Phật trong hệ thống kinh điển của Phật giáo.
III. KẾT LUẬN
Luật Tín ngưỡng – Tôn giáo đã được ban hành và đi vào đời sống, quyền tự do Tín ngưỡng – Tôn giáo cũng được pháp luật bảo hộ và quy định rõ nhưng khi đi vào thực tế, việc áp dụng vẫn còn một số bất cập.
Trong danh mục các tổ chức tôn giáo ở Việt Nam (tính đến tháng 6/2020), ban hành kèm công văn số 82/….ký ngày 17/7/2020 trong đó không hề có tên của giáo phái Pháp tạng Phật Giáo Việt Nam.
Vậy thì các cơ quan chức năng tại địa phương, căn cứ vào quy định nào để cho Pháp Tạng Phật giáo Việt Nam sinh hoạt tập trung? Muốn sinh hoạt tập trung thì phải có tôn giáo đứng ra bảo lãnh. Trong khi danh mục các tôn giáo lại không có tên của giáo phái này?
Giấy phép sinh hoạt tập trung được Ủy ban Nhân dân phường 1 quận Gò Vấp cấp cho giáo phái này sinh hoạt tập trung, trên đó ghi rõ: Thuộc tôn giáo: PHÁP TẠNG PHẬT GIÁO VIỆT NAM trong khi giáo phái này chưa được công nhận là tôn giáo và chưa có tên trong danh mục các tôn giáo của Ban Tôn giáo Chính phủ.
Từ những hiện tượng nêu trên, thiết nghĩ việc thành lập thêm một tôn giáo tại Việt Nam là có nhu cầu và hoàn toàn đúng pháp luật nhưng không thể vay mượn và sao y hình thức cũng như nội dung của một tôn giáo khác để làm của riêng cho mình được.
Điển hình ở đây là Phật giáo, một tôn giáo đồng hành cùng với dân tộc trên 2000 năm với vai trò Hộ quốc – An dân. Đã bị giáo phái này lạm dụng hình ảnh, nội dung, tư tưởng để thực hiện ý đồ xấu.
Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam khẳng định: Giáo hội Phật giáo Việt Nam được thành lập năm 1981 trên cơ sở hợp nhất tự nguyện của 09 tổ chức Giáo hội, tổ chức Hội và các Hệ phái Phật giáo trong cả nước, có đủ tư cách pháp lý, pháp nhân, đại diện Tăng Ni, Phật tử Việt Nam trong và ngòai nước.
Giáo phái này với hình thức và nội dung sinh hoạt không khác gì Phật giáo thì đây là tổ chức trực thuộc của Phật giáo hay là tôn giáo mới? nếu trực thuộc sao không thông qua Giáo hội Phật giáo Việt Nam? Nếu là tôn giáo mới sao không nhờ các tôn giáo đang hoạt động thẩm định xem giáo phái này có liên quan và ảnh hưởng đến tôn giáo của mình hay không rồi mới cấp phép?
Sự việc này ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín và tổn hại nghiêm trọng đến hình ảnh của Phật giáo trong mắt quần chúng nhân dân. Hình thức và nội dung của giáo phái này không hề khác biệt với Phật giáo, rất dễ gây hiểu lầm và đem nhiều hệ lụy đến cho Phật giáo. Nếu không phải là Phật tử thuần thành thì không ai có thể phân biệt được giáo phái này không liên quan đến Phật giáo. Nếu có những việc phát sinh ngoài ý muốn thì với hình thức nêu trên, Phật giáo sẽ bị ảnh hưởng đầu tiên.
Nguyên Phú.
Xem thêm phần video:
(https://phatgiaovietnam.vn/video-phap-tang-phat-giao-viet-nam-hay-la-ta-dao-tinh-vuong-nhat-tong/)
No comments:
Post a Comment